IN VỚI MỰC TRUYỀN THỐNG HAY MỰC UV.
Trải qua hàng thập kỷ, mực truyền thống đã được sử dụng cho in bao bì kim loại. Cùng với sự phát triển của công nghệ UV, sự hiện diện của mực in UV cũng gia tăng, các nhà máy in trên kim loại liên tục đặt ra câu hỏi liệu họ nên tiếp tục với mực in truyền thống hay chuyển sang mực UV.
Dây chuyền sấy mực UV chỉ cần phân nửa không gian của dây chuyền in mực truyền thống có lò sấy khô bằng nhiệt, nhưng ngược lại mực UV cần hoạt động trong điều kiện môi trường ổn định bởi vì tính nhạy cảm của mực UV. Vì thế một dây chuyền in mực UV thường được hoạt động trong phòng có máy điều hòa không khí.
Trong một dây chuyền in mực truyền thống phải có thêm một nhân công ở cuối chuyền để dỡ hàng thành phẩm nhưng đối với dây chuyền in mực UV (thường ngắn hơn rất nhiều) nên công việc này được thực hiện bởi người vận hành máy.
Trong dây chuyền in mực truyền thống, kết quả cuối cùng của tờ thiếc in sẽ được kiểm tra sau khi sấy khô khoảng 7 đến 8 phút. Nếu kết quả có vấn đề thì một lò sấy dài chứa đầy các tờ thiếc sẽ là phế phẩm và chúng phải đi qua hết lò sấy sau đó mới được tách ra. Với chuyền in mực UV, nhân viên vận hành có thể kiểm tra ngay lập tức thành phẩm và các phế phẩm được tách ra một kiện riêng ngay tức thì.
Trong in trên kim loại, thiếc phải được tráng một lớp phủ trắng trước khi in. Lớp tráng trắng này hiện đang được sấy khô bằng nhiệt, giống phương pháp sấy khô mực truyền thống. Do đó, nếu đầu tư dây chuyền in mực UV thì vẫn phải đầu tư dây chuyền sấy mực truyền thống để phục vụ cho việc tráng phủ.
Việc kiểm soát mực in UV cũng phức tạp hơn nhiều bởi vì chất lượng in cuối cùng phụ thuộc rất nhiều vào độ chính xác của cân bằng mực nước. Không quá khó để kiểm soát được sự cân bằng này nhưng nó đòi hỏi thợ in phải có kinh nghiệm mới sử dụng thành công mực UV.
Trong thực tế, mực in truyền thống phù hợp cho tất cả các loại sản phẩm kim loại với giá thành thấp và mức độ sẵn có cao từ các nhà cung cấp trong nước, trong khi mực UV giá thành vẫn còn cao hơn và phải nhập khẩu. Đối với mực UV, giới hạn kỹ thuật vẫn còn xuất hiện ở các hộp in có độ kéo giãn sâu, đặc biệt đối với một số bao bì thực phẩm nhất định như cá hoặc thức ăn chế biến sẵn.
Ở Việt Nam hiện nay chỉ có vài nhà máy in đầu tư dây chuyền sấy mực in UV, các dây chuyền này vận hành song song với các dây chuyền in mực truyền thống đã có. Theo thống kê chưa chính thức từ các nhà máy này, tổng chi phí cho một đơn vị sản phẩm in mực UV thấp hơn so với mực in truyền thống, thời gian in một sản phẩm nhanh hơn. Đây cũng là một thông tin đáng chú ý đối với những nhà máy đang còn phân vân trong việc trả lời câu hỏi nên hay không nên đầu tư dây chuyền in mực UV.